Trước đó, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, năm 2005 được Quốc hội ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào triển khai thực hiện, nhiều quy định đã trở nên không phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành Luật Khiếu nại năm 2011 để thay thế Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, năm 2005.
Theo đó, Luật Khiếu nại năm 2011 gồm 8 chương, 70 điều, quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại. So với Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, năm 2005, Luật Khiếu nại năm 2011 đã xây dựng nhiều nội dung mới nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người khiếu nại.
Trình tự khiếu nại, giải quyết khiếu nại
Nếu như trước đây các bước của việc khiếu nại được quy định lồng ghép vào thủ tục giải quyết khiếu nại khiến cho người dân mất nhiều thời gian để tìm hiểu và dễ gây nhầm lẫn, thì Luật Khiếu nại năm 2011 đã khắc phục được hạn chế này. Theo đó, Luật Khiếu nại năm 2011 đã dành riêng Điều 7 để đưa ra những quy định rõ ràng về trình tự khiếu nại.
Cụ thể, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) thì người khiếu nại khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai của Bộ trưởng hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Đối với quy định về thụ lý giải quyết khiếu nại, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định rõ, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Về việc xác minh nội dung khiếu nại, trong thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm: Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay; Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm (sau đây gọi chung là người có trách nhiệm xác minh) xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại. Việc xác minh phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời.
Đối với quy định về tổ chức đối thoại, theo Luật Khiếu nại năm 2011, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại. Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
Đối với khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định, trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó. Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết. Quyết định tạm đình chỉ phải được gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan và những người có trách nhiệm thi hành khác. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì phải hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ đó.
Các khiếu nại không được thụ lý giải quyết
Theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, cá nhân, tổ chức được thực hiện quyền khiếu nại của mình khi thấy những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không đúng và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên không phải lúc nào cá nhân, tổ chức nộp đơn khiếu nại cũng được thụ lý giải quyết.
Từ thực tiễn trên, Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định cụ thể về 09 trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết: (1) Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định; (2) Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; (3) Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp; (4) Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại; (5) Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; (6) Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng; (7) Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; (8) Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại; (9) Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
Quy trình giải quyết khi nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung
Quy định về trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung là một trong những điểm mới của Luật Khiếu nại năm 2011 để bổ sung cho những bất cập trong thực tiễn thi hành khi công dân không khiếu nại đơn lẻ mà tập trung đông người để khiếu nại về cùng một nội dung của một quyết định hành chính. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 8, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định rõ, trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, khi nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định. Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung quy định, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 31, Luật Khiếu nại năm 2011 bổ sung quy định về việc ra quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung. Theo đó, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.
Luật Khiếu nại năm 2011 có hiệu lực thi hành vào 01/7/2012, qua đó khắc phục những hạn chế trong các quy định pháp luật về khiếu nại trước đây góp phần vào việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân./.