Theo đó, Luật Nghĩa vụ quân sự quy định về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trước hết là về độ tuổi gọi nhập ngũ là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; trường hợp công dân là sinh viên được đào tạo trình độ cao đẳng hoặc đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi (theo quy định cũ độ tuổi gọi nhập ngũ là từ 18 đến 25 tuổi). Đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện đăng ký và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.

(Cán bộ y tế test Covid -19 cho thanh niên lên đường nhập ngũ năm 2023)
Điểm mới thứ hai đó là thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng, trước đây thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 18 tháng, với hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan, binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan, binh sĩ trên tàu hải quân là 24 tháng. Bên cạnh đó, luật này cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ phải là người có lý lịch rõ ràng; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; có trình độ văn hóa phù hợp.
Điểm mới thứ ba đó là hàng năm, nhà nước sẽ gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân một lần vào tháng 2 hoặc tháng 3; (với tỉnh nhà thời gian giao quân đợt một dự kiến từ ngày 23/2/2016 đến 27/2/201) trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Ngoài ra, luật còn quy định miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân như: Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; một anh hoặc một em trai của liệt sĩ; một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên. Người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi chức vụ công tác, trình độ học vấn, chuyên môn, tình trạng sức khỏe, thông tin khác liên quan phải đăng ký bổ sung tại cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự. Trường hợp đi khỏi nơi cư trú, nơi làm việc, học tập từ 3 tháng trở lên thì phải đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng sẽ phải đăng ký lại trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi trở về.

(Cán bộ y tế test Covid -19 cho thanh niên lên đường nhập ngũ năm 2023)
Về tiêu chuẩn sức khoẻ văn hoá, chính trị đạo đức của công dân nhập ngũ vẫn thực hiện như năm 2015 nghĩa là năm 2016 tỉnh nhà vẫn phải đảm bảo được 10% trở lên số thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá quân đội và Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016.
Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19-6- 2015 là một bước điều chỉnh hết sức phù hợp, đạt được được những yêu cầu lớn, đó là nâng cao được chất lượng đầu vào của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vì đã quy định chặt chẽ về chất lượng, về trình độ chính trị, văn hóa, sức khỏe của công dân thực hiện NVQS. Luật khắc phục được những bất cập của Luật NVQS hiện hành, những vấn đề về công bằng xã hội, về quyền của công dân. Luật phù hợp với điều kiện đất nước hiện nay trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.